Translate

Tuesday, December 18, 2012

Công nghệ sản xuất Hydrogen peroxid (H202) theo phương pháp anthraquinol xúc tác paladi


Công nghệ Sản xuất Hydrogen Peroxide (H2O2) theo phương pháp anthraquinol xúc tác paladi

Hydrogen peroxid là chất lỏng, trong suốt, không màu, có tính ôxy hoá mạnh, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực: Công nghiệp sản xuất giấy, dệt, ytế, thực phẩm, tẩy rửa, xử lý rác thải, xử lý nước... Sản xuất H2O2 theo phương pháp điện phân axit H2SO4 hay từ peoxit Bari nay ít dùng trong công nghiệp, do chi phí điện năng và nguyên liệu cao. Hiện nay, quy mô sản xuất công nghiệp H2O2 trên thế giới chủ yếu theo công nghệ ôxy hoá Anthraquinol (AO) xúc tác paladi, đây là công nghệ tiên tiến, nguyên liệu chủ yếu là khí hydro.
                         

(Dây chuyền sản xuất Oxy già của Công ty Cổ phần Hóa Chất Hưng Phát)
Công nghệ này cũng có 2 phương pháp:
-      Phương pháp Hyđrô hoá xúc tác tầng cố định
-      Phương pháp Hydro hóa xúc tác tầng sôi, trên cơ sở cùng một cơ chế phản ứng.
Phương pháp Hyđrô hoá xúc tác tầng sôi có nhược điểm là phức tạp về thiết bị, tiêu tốn nhiều năng lượng, đặc biệt là nguy cơ cháy nổ cao. Thực tế cho thấy, đã có không ít sự cố cháy nổ nghiêm trọng đối với nhà máy sử dụng công nghệ xúc tác tầng sôi tại các nhà máy của Anh, CHLB Đức, Pháp. Cũng trong thời gian này, không hề có sự cố cháy, nổ nào xảy ra đối với các nhà máy đi theo phương pháp xúc tác tầng cố định trên toàn thế giới. Bài viết này, chỉ giới thiệu nguyên lý sản xuất H2O2 theo phương pháp xúc tác tầng cố định, được tổng hợp từ tài liệu ‘Sản xuất Hydrogen peroxid theo phương pháp anthraquinol xúc tác paladi’ của Viện Nghiên cứu công nghiệp hoá chất Liming, Trung Quốc.
Nguyên lý sản xuất theo công nghệ này gồm những công đoạn chính sau đây:
1. Công đoạn Hydro hoá.
Dịch công tác gồm: Anthraquinone (thường sử dụng 2 - Ethyl anthraquinone) vai trò làm chất mang, các chất thơm nặng và Tri-izo octyl phosphate (TOP) làm dung môi cho phản ứng, được đưa từ công đoạn chuẩn bị dịch công tác, cùng với khí hyđrô được đưa vào tháp hyđrô hoá. Trong điều kiện có áp lực, nhiệt độ và có mặt chất xúc tác paladi, anthraquinone của dịch công tác sẽ phản ứng với hyđrô tạo thành anthraquinol tương ứng:
                                                            Q + H2 => H2Q


Dịch công tác sau hyđrô hoá được đưa sang tháp phản ứng ôxy hoá.
2. Công đoạn ôxy hoá.
Dịch công tác ra tháp hiđrô hóa được đưa sang tháp ôxy hóa. Tại đây anthraquinol phản ứng với ôxy, tạo ra H2O2 đồng thời anthraquinone được hoàn nguyên trở lại:
                                                   H2Q + O2 => H2O2 + Q
                                      

Hỗn hợp dịch ra tháp ôxy hóa được đưa sang công đoạn chiết suất và tinh lọc sản phẩm H2O2 .
3. Công đoạn chiết suất và tinh lọc.
Sản phẩm H2O2 có trong dịch công tác sau khi ra tháp ôxy hoá được chiết suất bằng nước khử khoáng trong tháp chiết kiểu đĩa lỗ. Quá trình được thực hiện như sau:
Dịch công tác ra tháp ôxy hoá đi vào đáy tháp chiết, nước khử khoáng đi vào từ đỉnh tháp, ngược chiều với dịch công tác. Do H2O2 tan hoàn toàn trong nước, nên khi tiếp xúc với nước khử khoáng, toàn bộ H2O2 trong dịch công tác hoà tan vào trong nước khử khoáng và theo nước khử khoáng ra đáy tháp. Dung dịch H2O2 sau khi ra khỏi tháp chiết, được đưa sang tháp tinh lọc để tách triệt để các các tạp chất mang theo như: Chất thơm nặng, Tri-izo octyl (TOP)...  thu được sản phẩm H2O2 có nồng độ 27,5%.

Dịch công tác sau khi chiết suất hết H2O2 đi ra từ đỉnh tháp chiết đi vào đáy tháp xử lý bằng dung dịch kiềm. Tại đây dịch công tác tiếp xúc với dung dịch kiềm đặc (đi vào từ đỉnh tháp) để tách nước, rồi được đưa trở lại công đoạn hyđrô hoá. Dung dịch kiềm ra tháp được đưa sang thiết bị phân ly để tách các tạp chất, sau đó được cô đặc để tái sử dụng.
4. Công đoạn cô đặc dung dịch H2O2.
Sau công đoạn chiết suất, tinh lọc, ta thu được dung dịch H2O2 có nồng độ khoảng 27,5%. Với nồng độ này có thể trực tiếp đưa đi tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, để có nồng độ H2O2 cao hơn thì cần phải cô đặc.
Dung dịch H2O2 loãng từ thùng chứa qua bơm; lọc; gia nhiệt rồi vào thiết bị bốc hơi kiểu tháp đệm. Do H2O và H2O2 khác nhau về nhiệt độ sôi nên tách được nước và thu được sản phẩm có nồng độ theo ý muốn (Sản phẩm sau khi cô đặc có thể đạt được nồng độ 35%; 50%; 70%). Quá trình cô đặc được thực hiện ở điều kiện chân không.
5. Công đoạn chuẩn bị dịch công tác.
Dịch công tác được chuẩn bị bằng cách trộn các chất: Chất thơm, Tri-izo octyl phosphate và anthraquinone đã được đong đếm chính xác theo tỷ lệ nhất định. (Các hợp chất thơm trước khi pha vào dung dịch công tác được chưng trong điều kiện chân không). Dịch công tác sau khi pha chế được rửa sạch bằng nước khử khoáng và xử lý bằng H2O2 để khử sạch tạp chất, đảm bảo độ tinh khiết phục vụ cho công đoạn hyđrô hoá.

No comments:

Post a Comment